Tin tức và sự kiện

Doanh nghiệp thép chết lâm sàng (13/03/2013)

( 06-06-2014 - 10:22 PM ) - Lượt xem: 2085

Có nhiều doanh nghiệp thép đang lâm vào tình trạng chết lâm sàng, chủ yếu là những đơn vị mới ra đời, chưa có thương hiệu. Dù có bán giá thấp, cũng không có ai mua.

Ông đánh giá thế nào về tình hình các doanh nghiệp thép hiện nay?
Có nhiều doanh nghiệp thép đang lâm vào tình trạng chết lâm sàng, chủ yếu là những đơn vị mới ra đời, chưa có thương hiệu. Dù có bán giá thấp, cũng không có ai mua.
Giờ nếu cho phép triển khai dự án mới, cũng không một ai dám làm vì thép không bán được. Thực tế, có những doanh nghiệp đã xây dựng xong từ năm 2012, nhưng chưa dám đi vào sản xuất vì sợ thua lỗ.
VSA đang khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu thép. Tuy nhiên, việc làm này không phải dễ vì ngành thép Việt Nam là ngành sinh sau đẻ muộn, khả năng cạnh tranh không cao. Vấn đề đặt ra là chúng ta đưa thép vào thị trường nào, giá cả ra sao.
Việc xuất khẩu, tối thiểu phải hoà vốn để tạo công ăn việc làm, giảm bớt sức ép trong nước. Giá thép Việt Nam không thể cạnh tranh với các nước vì cơ cấu vốn của doanh nghiệp thép các nước được xây dựng chủ yếu từ vốn tự có, vốn trên thị trường chứng khoán và vốn vay; trong khi, vốn của các doanh nghiệp Việt Nam lại chủ yếu là đi vay, lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất các nước, nên tất cả đổ dồn vào giá thép.
Theo ông, đâu là nguyên nhân?
Nguyên nhân chính là do chính sách cắt giảm đầu tư công khiến các dự án có vốn ngân sách bị cắt giảm hoặc kéo dài thời gian nên tiêu thụ thép gặp khó. Ngoài ra, thị trường bất động sản đóng băng cũng là nguyên nhân khiến ngành thép lao đao vì đây là đầu ra chính.
Lượng thép tồn kho lớn như hiện nay đang ở mức rất cao, vượt mức cho phép (thường chỉ từ 230-250 ngàn tấn). Xuất khẩu thép dù tăng so với năm 2011 nhưng không nhiều, chỉ được khoảng hơn 300 ngàn tấn, không thấm vào đâu so với một số nước.
Vậy phải làm gì để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?
Để tiêu thụ được lượng thép tồn kho hiện nay, các chính sách đưa ra cần phải xoay quanh vấn đề đầu ra của thép. Để giảm lỗ, doanh nghiệp phải tự cắt giảm chi phí để giảm giá thành, đổi mới công nghệ để giảm chi phí sản xuất.
Doanh nghiệp nào tiếp tục áp dụng công nghệ lạc hậu, họ đành phải chấp nhận phá sản vì đó là quy luật. Theo tôi biết, nhiều doanh nghiệp thép dù không công bố là phá sản nhưng hiện đang được coi như đã chết lâm sàng.
 
Theo VSA, một số doanh nghiệp đang chủ động đưa nguyên liệu nóng từ luyện sang cán thép nên đã giảm tiêu hao dầu. Thậm chí, có doanh nghiệp thay vì cán thép bằng dầu đã chuyển sang dùng than nên giá thành rẻ hơn. Việc áp dụng khí hoá than đã giúp giảm được 100-150 nghìn đồng/tấn thép so với dùng dầu.