Tin tức và sự kiện

Nghịch lý ngành thép: Kẻ khóc, người cười

( 06-06-2014 - 11:30 PM ) - Lượt xem: 1965

Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) thép “ăn nên làm ra” thì cũng không ít DN ngậm ngùi với kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2013 và chưa có sự tiến triển trong các tháng đầu năm 2014.

Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) thép “ăn nên làm ra” thì cũng không ít DN ngậm ngùi với kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2013 và chưa có sự tiến triển trong các tháng đầu năm 2014.

Tiêu thụ thép chưa hồi phục là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp thép thua lỗ

CôngThương - Méo mặt vì... thép

Đại gia thép đầu tiên phải kể tới là Công ty Cổ phần thép Pomina. Nếu như các năm trước, DN này luôn tăng trưởng dương thì năm qua đã tụt dốc với việc lỗ 219 tỷ đồng. Dù doanh thu trong năm 2013 của Pomina đạt gần 10.000 tỷ đồng, nhưng do chi phí bán hàng, quản lý DN và trả lãi những khoản vay đã khiến lợi nhuận làm ra không còn.

Gương mặt lỗ điển hình thứ hai là Công ty CP Hữu Liên Á Châu (HLA). DN này có doanh thu năm 2013 trên 4.000 tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch đề ra nhưng lợi nhuận trước thuế lại âm hơn 235 tỷ đồng. Theo đại diện ban lãnh đạo HLA, công ty có đủ nguồn lực về nhân sự, sản xuất, công nghệ, khách hàng… nhưng do nguồn vốn hạn hẹp, phụ thuộc nên đã thua lỗ nặng trong năm qua. Năm 2014, đơn vị dự kiến sẽ đạt doanh thu trên 3.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ bằng 0…

Bi đát hơn là trường hợp của Posco VST, trong 4 năm hoạt động tại Việt Nam, DN này đã thua lỗ hơn 1.000 tỷ đồng. Theo số liệu được Cục Thuế Đồng Nai xác nhận, lũy kế trong 4 năm qua, Posco VST đã lỗ tổng cộng 1.067 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản thuế mà công ty này nộp cho Cục Thuế tổng cộng chỉ trên 49 tỷ đồng.

Nghịch lý khi đại gia thép Pomina, HLA, Posco VST… là những DN đã thua lỗ nặng thời gian qua, nhưng vẫn có không ít DN hoạt động hiệu quả, như Tập đoàn Hòa Phát, tôn Hoa Sen, thép Nam Kim…

Được biết, tháng 10/2009, Posco VST đã chi 50 triệu USD mua lại Nhà máy sản xuất thép không gỉ Asia Stainless ở Nhơn Trạch (Đồng Nai); cuối năm 2010, lại tiếp tục khởi công xây dựng thêm 1 nhà máy sản xuất thép không gỉ cán nguội, vốn đầu tư 130 triệu USD. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh trong thực tế đã không đạt kỳ vọng, nên Posco VST thua lỗ lớn liên tục. Khoản lỗ lũy kế của Posco VST hiện đã chiếm tới trên 40% vốn góp chủ sở hữu của công ty tại Đồng Nai.

Phất lên cũng nhờ… thép(!?)

Dù ngành thép chưa hồi phục, nhiều DN thua lỗ nhưng vẫn có không ít DN hoạt động hiệu quả, Tập đoàn Hòa Phát là một ví dụ. Hòa Phát đã có một năm “ăn nên làm ra” với lợi nhuận sau thuế năm 2013 đạt hơn 2.010 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2012 và vượt 68% kế hoạch năm. Theo Hòa Phát, lợi nhuận tăng mạnh do doanh thu bán hàng tăng nhờ tăng trưởng sản lượng khi khu liên hiệp thép tại Hải Dương đi vào hoạt động. Năm 2014, HPG dự kiến sẽ đạt doanh thu 23.000 tỷ đồng và lợi nhuận 2.200 tỷ đồng. Con số này hoàn toàn khả quan khi 2 tháng đầu năm, sản lượng thép xây dựng bán ra thị trường của tập đoàn đã tăng 18% so với cùng kỳ.

Tôn Hoa Sen cũng đang khẳng định vị thế trong ngành thép, với lợi nhuận sau thuế đạt 581 tỷ đồng, tăng 58% trong năm 2013. Đơn vị này đang có thị phần cao nhất trên toàn quốc với hơn 40% ở mảng thép tấm.

Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Hoa Sen - cho biết, năm qua, Hoa Sen đạt lợi nhuận cao là nhờ những quyết định táo bạo trong đầu tư dây chuyền sản xuất. Hiện công ty đang có kế hoạch nâng công suất tôn màu và thép cuộn cán nguội và sẽ đón đầu TPP để xuất khẩu thành phẩm vào Mỹ.

Dù chỉ là công ty tầm trung nhưng Thep Nam Kim cũng cho thấy sự nỗ lực vượt khó trong năm 2013 khi đạt doanh thu trên 4.600 tỷ đồng, thu về 55 tỷ đồng lợi nhuận sau khi lỗ hơn 100 tỷ đồng năm 2012. Công ty CP thương mại XNK Thiên Nam cũng chứng tỏ khả năng ứng biến với khó khăn với doanh thu 1.585 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 34 tỷ đồng trong năm 2013.

Mai Ca

Tiêu thụ thép chưa hồi phục là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp thép thua lỗ